Quốc hội thảo luận về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 và tiến hành thủ tục miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ
 Buổi chiều ngày 01/4/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về Quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Quy định này.
Trong quá trình thảo luận đã có 06 đại biểu Quốc hội phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Có đại biểu phát biểu, “nếu các đồng chí đã từng hoặc đang công tác tại HĐND thì có lẽ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là một niềm mơ ước. Để nâng cao chất lượng của HĐND các cấp cũng rất cần đội ngũ hoạt động chuyên trách. Hiện nay, số lượng chuyên trách của HĐND các cấp quá ít, dẫn đến tình trạng quá tải với các công việc, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự trị an”. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách với HĐND thành phố Hà Nội là rất hợp lý và qua thí điểm thực hiện có thể tổng kết, nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Đại biểu khác nêu, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố hiện đã lên đến 18 đại biểu nên nếu so sánh với quy định của Luật hiện hành có mức tăng cao, song so với thực tế thì số lượng tăng thêm không lớn. Với các phân tích được Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đưa ra, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, việc tăng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội là hoàn toàn có tính khả thi, cũng như bảo đảm về vấn đề ngân sách để chi trả cho số lượng tăng thêm ở nhiệm kỳ này.
Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, tại dự thảo Nghị quyết mới đưa ra quy định thiên về tăng số lượng mà chưa đặt ra cơ chế hoạt động, cách thức hoạt động của ủy viên chuyên trách. Tại các Ban của HĐND thành phố Hà Nội hiện có Trưởng ban, Phó Trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban. Bây giờ có thêm một chức danh nữa là Ủy viên chuyên trách của HĐND thì cơ chế, vị trí pháp lý và cách làm việc như thế nào ? Cần làm rõ vấn đề này để các đại biểu hoạt động chuyên trách tại Hà Nội có vị thế, yên tâm làm việc, giúp việc cho ai, làm việc như thế nào... Các Ban của HĐND thành phố hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, chức danh Ủy viên chuyên trách chưa được quy định trong luật liên quan nên tại dự thảo Nghị quyết này của Quốc hội cần có một quy định ngắn nhưng nêu được vị trí pháp lý cũng như cách thức tổ chức, làm việc của ủy viên chuyên trách.
Tán thành với đề nghị “sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải xem xét chế độ, chính sách với chức danh này và nhấn mạnh, không phải chỉ tăng nhích lên một chút, vì như vậy là không xứng đáng với một đại biểu dân cử, đại biểu HĐND ở thành phố quan trọng của đất nước. Hơn nữa, khi thực hiện thí điểm tăng thêm chức danh Ủy viên chuyên trách tại HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thì cần có một thái độ rộng rãi hơn, trân trọng hơn đối với các đại biểu HĐND, qua đó, giúp có nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề đại biểu dân cử nói chung cũng như đại biểu dân cử ở những thành phố lớn.
 Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội như đề xuất của Chính phủ nhằm phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng lớn của chính quyền thành phố Hà Nội. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội còn tập trung cho ý kiến về một số vấn đề như: chất lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; vị trí pháp lý, cơ chế hoạt động của đại biểu chuyên trách; phương hướng tăng cường hoạt động của đại biểu HĐND; về chế độ phụ cấp của ủy viên chuyên trách HĐND, đại biểu HĐND; về việc xác định vị trí tương đương của Ủy viên chuyên trách HĐND nói riêng và cơ quan dân cử nói chung trong hệ thống chính trị... Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.
Tiếp theo chương trình làm việc, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp riêng nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này./.
HN |